A- A+

Khối cầu rêu di chuyển bí ẩn trên sông băng

(Thứ Tư, 27/05/2020)


Những khối cầu rêu hình quả trứng xuất hiện trên một số sông băng, di chuyển chậm theo cùng hướng một cách bí ẩn.

 

Khối cầu rêu hình quả trứng trên sông băng. Ảnh: Tim Bartholomaus.

Khối cầu rêu hình quả trứng trên sông băng. Ảnh: Tim Bartholomaus.

Các nhà nghiên cứu phân tích 30 khối cầu rêu trên sông băng Root, Alaska, Science Alert hôm 16/5 đưa tin. Khối cầu rêu còn gọi là chuột sông băng hình thành từ những hòn đá nhỏ hoặc bụi bẩn trong băng, dần tích tụ thêm các loại rêu và trầm tích. Đây là một trong số ít những nguồn dinh dưỡng cho động vật không xương sống như bọ đuôi bật, gấu nước hay giun tròn sống trên sông băng.

"Những khối đất và rêu hình trứng này chỉ xuất hiện trên bề mặt của một số sông băng. Chúng cung cấp môi trường sống quan trọng cho các nhóm động vật không xương sống", các chuyên gia cho biết. Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Polar Biology, họ theo dõi chuyển động của 30 khối cầu rêu trong vòng 4 năm.

Những nghiên cứu trước đó cho thấy chuột sông băng di chuyển và lăn vòng, giúp rêu ở các mặt có thể luân phiên tiếp xúc với ánh nắng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra, chúng di chuyển cùng nhau theo những hướng cụ thể. 30 khối cầu rêu di chuyển với tốc độ trung bình 2,5 cm một ngày. Chúng chạy rất chậm nhưng đồng điệu.  

Những khối cầu rêu di chuyển đồng điệu. Ảnh: Tim Bartholomaus.

                                        Những khối cầu rêu di chuyển đồng điệu. Ảnh: Tim Bartholomaus.

"Cả đàn chuột di chuyển với tốc độ và hướng như nhau. Tốc độ và hướng có thể thay đổi sau vài tuần. Nhờ quay lại sông băng mỗi năm, chúng tôi nhận ra những khối cầu rêu này đã tồn tại ít nhất 5,6 năm, thậm chí lâu hơn nhiều", nhà nghiên cứu sông băng Tim Bartholomaus tại Đại học Idaho cho biết.

Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân khiến những khối cầu rêu di chuyển cùng hướng trong một thời gian rồi lại đổi hướng. Qua việc đo đạc, họ nhận thấy nguyên nhân không phải là độ dốc của băng, hướng gió chính hay ánh sáng Mặt Trời. "Có vẻ còn một yếu tố bên ngoài mà chúng tôi chưa biết tới đã tác động đến sự di chuyển của cầu rêu trên sông băng Root", Bartholomaus nhận xét. Những nghiên cứu trong tương lai có thể giúp giải quyết bí ẩn này.

Nguồn, tác giả bài viết: https://vnexpress.net/
Tags: hiện tượng sông băng rêu Bắc Cực đàn chuột

tin liên quan

Không có tin

tin khác

Báo chí nói về STEMUP